Tết Hàn Thực
Tết Hàn Thực là một ngày tết vào ngày mồng 3 tháng 3 Âm lịch. “Hàn Thực” nghĩa là “thức ăn lạnh”. Ngày tết truyền thống này xuất hiện tại một số tỉnh của Trung Quốc, miền bắc Việt Nam và một số cộng đồng người gốc Hoa trên thế giới.
Hàng năm vào ngày này, nhiều gia đình cho xay bột, đồ đỗ xanh, làm bánh trôi, bánh chay, chè trôi nước, nấu xôi chè lễ Phật và cúng gia tiên. Có lẽ đó cũng là một cách tưởng niệm người thân trong những ngày tháng cuối xuân.
Ngoài ra, tết Hàn thực thường trùng với tiết Thanh Minh nên con cháu trong gia đình thường cùng nhau tảo mộ tổ tiên, người thân.
Ý nghĩa ngày Tết Hàn Thực
Trong văn hóa người Việt Nam, bước sang tiết khí tháng ba thời tiết nóng lên nhiều. Thời gian này chuyển mùa, trời đất giao hòa. Nhân dân làm bánh trôi, bánh chay và cách món ăn lạnh cầu mong mùa màng bội thu, thời tiết thuận hòa. Bánh trôi, bánh chay được dùng để cúng tổ tiên, ông bà. Ngày ngày tượng trưng cho văn hóa Việt, thấm đẫm linh hồn, bản sắc của người Việt.
Cả hai loại bánh đều được làm từ bột gạo nếp thơm. Là kết tinh thành quả lao động vất vả dâng lên ông bà tổ tiên. Là hình ảnh thể hiện rõ nhất nền văn minh lúa nước lâu đời của dân tộc Việt Nam. Cùng với các loại bánh truyền thống khác như bánh chưng, bánh giầy. Bánh trôi bánh chay tròn vo, trắng ngần xếp đầy cạnh nhau trên đĩa còn mang hàm ý tưởng nhớ tới sự tích Âu Cơ trăm trứng. Bánh trôi tượng trưng cho một nửa người con theo Âu Cơ lên non.
Bánh chay tượng trưng 50 người con theo Lạc Long Quân xuống biển, mở mang bờ cõi, gây dựng đất nước, mưu cầu đời sống ấm no. Tết Hàn thực như tấm thảm trải trước để đón ngày Giỗ tổ Hùng Vương. Chính vì vậy người dân Việt mới sử dụng hình ảnh bánh trôi, bánh chay để bày tỏ lòng thành, tiếp nối truyền thống uống nước nhớ nguồn. Tưởng nhớ công lao của ông bà, tổ tiên, duy trì phong tục dù bình dị, dân dã.
Nguồn gốc Tết Hàn Thực
Nguồn gốc Tết Hàn thực phải kể đến điển tích từ thời Xuân Thu. Vua Văn Công nhà Tấn khi còn cơ hàn trốn nạn, chạy lánh sang nước Tề, một thời gian lại sang nước Sở. Gặp một nho sĩ hiền lành Giới Tử Thôi, giúp sức phò vua. Gặp ngày hết lương thực, không còn gì ăn uống, Giới Tử Thôi cắt thịt đùi mình ra, nấu nướng ngon lành, dâng lên vua dùng bữa. Vua ăn xong hỏi ra mới biết.
Tử Thôi theo vua mười chín năm ròng rã, nếm mật nằm gai. Đến lúc Văn Công trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng lớn cho người có công trong khi tòng vua. Nhưng quên mất công lao Giới Tử Thôi. Tử Thôi không oán giận gì, nghĩ đó cũng là nghĩa vụ của mình, không phải công lao gì đáng nói. Về sau về quê đem mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn. Một thời gian sau, nhà vua nhớ ra chuyện cũ sai người vào núi tìm không được. Vua đốt rừng nhưng ông cũng không ra, hai mẹ con chịu chết cháy. Vua thương xót, lập miếu thờ trên núi và phong cả khi rừng đó làm tự điền.
Ngày Tử Thôi chết nhằm ngày năm tháng ba. Người dân thương xót, cứ mỗi năm đến ngày ngày thì cấm đốt lửa ba ngày, bắt đầu từ ngày mồng ba và chỉ được ăn đồ lạnh đã nấu sẵn. Tết Hàn thực, ăn bánh trôi bánh dày, thường là cơ hội để đa số người dân thường dùng bánh trôi, bánh chay để cúng tế tổ tiên vào ngày này.
Thời gian và những kiêng kị
Tết Hàn thực diễn ra hàng năm mồng ba tháng ba Âm Lịch hàng năm. Hàn thực chỉ đồ ăn lạnh, chúng ta tự tay làm hoặc mua số lượng bánh trôi, bánh chay phù hợp nhất. Trong mâm cúng là ba hoặc năm bát bánh trôi và ba hoặc năm bát bánh chay.
Gọi là Tết Hàn thực, nên dân gian kiêng hạn chế sử dụng lửa và nguồn nhiệt. Không đốt lửa, chuẩn bị đồ ăn nguội để đúng bản chất là ngày tết dùng đồ ăn lạnh. Ngoài ra, có thể giữ chay, không ăn đồ ăn mặn. Ngoài ra, bánh trôi bánh chay không nên làm quá nhiều màu sắc để đảm bảo tính thanh khiết giữ nguyên bản ngày lễ. Tuy nhiên, những rào cản này trong xã hội hiện đại dường như không còn cần thiết trong đời sống đương đại.
Cách làm bánh trôi nước
Bánh trôi làm bằng bột nếp nhào nặn với nước, có nhân bằng đường. Gạo làm bánh trôi, bánh chay phải kén được nếp cái hoa vàng để tăng phần trang trọng cho ngày lễ. Cứ chín phần nếp cho một phần tẻ hoặc non hai phần tẻ. Đường làm nhân bánh trôi ngon nhất là đường phèn Dương Liễu, Cát Quê, miếng đường vuông thành, sắc cạnh, đỏ thắm, rắn đanh và giòn, hương thơm mát. Bánh nặn xong, thả nồi nước sôi. Bánh chìm xuống rồi nổi lên, vài lần thì vớt ra và ngâm trong nước lọc cho săn trở lại rồi lại vớt ra bày vào đĩa. Đĩa bánh trôi được rắc thêm mấy hạt vừng trắng rang thơm.
Văn khấn tết Hàn thực
Trích theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam:
Con lạy chín phương trời, mười phương Phật, chư Phật mười phương.
Con kính lạy Hoàng thiên hậu thổ, chư vị tôn thần.
Con kính lạy ngài bản cảnh thành hoàng, ngài bản xứ thổ địa, ngài bản gia táo quân cùng chư vị tôn thần.
Con kính lạy cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỷ, thúc bá, đệ huynh, cô di, tỷ muội họ nội họ ngoại.
Tín chủ chúng con là … Ngụ tại …
Hôm nay là ngày… gặp tiết Hàn thực, tín chủ chúng con cảm nghĩ thâm ân trời đất, chư vị tôn thần. Nhớ đức cù lao tiên tổ, thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, đốt nén tâm hương, dâng lên trước án.
Chúng con kính mời ngài bản cảnh thành hoàng chư vị đại vương, ngài bản xứ thần linh thổ địa. Ngài bản gia táo quân, ngũ phương, long mạch, tài thần giáng lâm trước án chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các cụ tổ khảo, tổ tỷ, chư vị hương linh gia tiên nội ngoại họ… (đọc theo họ gia chủ) cúi xin thương xót cho con cháu giáng về chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời các vị vong linh các vị tiền chủ, hậu chủ ngụ trong nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai âm hưởng. Phù hộ cho toàn gia chúng con luôn luôn mạnh khỏe, mọi sự bình an, vạn sự tốt lành. Gia đình hòa thuận, trên bảo dưới nghe.
Khấn xong vái ba vái.
Xem thêm: Cúng đầy tháng cho bé